cc

Vẹn nguyên ký ức ngày giải phóng của những cựu chiến binh

Thứ hai - 14/04/2025 07:56
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức hào hùng của những ngày tháng lịch sử năm 1975, ngày giải phóng quê hương và giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, đưa non sông về một mối vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người cựu chiến binh đã từng vào sinh ra tử, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Và một lần nữa, chúng ta lại được nghe những khoảnh khắc hào hùng, đong đầy cảm xúc về một thời chiến đấu trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” năm xưa.
Những kỷ vật (Ba lô, tăng võng, bình đông hay ăng–gô) đã gắn bó với CCB Đỗ Ngọc Xướng suốt 20 năm chiến đấu
Những kỷ vật (Ba lô, tăng võng, bình đông hay ăng–gô) đã gắn bó với CCB Đỗ Ngọc Xướng suốt 20 năm chiến đấu

        Ký ức không quên

Chúng tôi tìm đến gia đình cựu chiến binh Đỗ Ngọc Xướng, khối phố 1, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam trong không khí những ngày tháng ba lịch sữ, những ký ức năm xưa lại ùa về trong tâm trí người lính già. Bên chén trà, sau giây lát đăm chiêu, CCB Đỗ Ngọc Xướng chia sẻ, ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở tỉnh Thanh hoá.

Năm 1966, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, khi mới tròn 20 tuổi, thanh niên Đỗ Ngọc Xướng cùng với nhiều thanh niên của quê hương hăng hái lên đường nhập ngũ, đem tất cả sức lực, trí tuệ và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ cống hiến cho cách mạng.

CCB Đỗ Ngọc Xướng ôn lại kỷ niệm, kỷ vật chiến đấu với chúng tôi. Năm 1966, ông tình nguyện nhập ngũ sau khi đã hoàn thành chương trình học văn hóa tại Đoàn 22 Quân khu 4 (huyện Nông Cống). Từ đây, ông cùng đồng đội hành quân qua các tỉnh Quảng Trị, Huế, Quảng Nam để chiến đấu giải phóng đất nước. Trong suốt quá trình tham gia chiến đấu, ông Xướng đã tham gia đánh 121 trận lớn nhỏ, diệt 78 tên Mỹ, Ngụy; thu giữ 22 khẩu súng và nhiều loại vũ khí khác, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 16 Huân, huy chương các loại và được phong hàm Trung tá, giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 15 công binh, kết nạp Đảng năm 1968.
 

Đầu năm 1975, thực hiện kế hoạch giải phóng miền Nam, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu then chốt mở màn cho chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Trên địa bàn Khu 5, Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt địch ở hai chi khu quận lỵ Tiên Phước - Phước Lâm để phối hợp hoạt động tiến công với Mặt trận Tây Nguyên, đồng thời tạo bàn đạp để tấn công Tỉnh đường Quảng Tín từ hướng Tây Nam.

Trên hướng trọng điểm Đông Thăng Bình - Bắc Tam Kỳ, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định chọn xã Bình Hải làm điểm khởi đầu cho cuộc nổi dậy giải phóng vùng Đông Thăng Bình. Tiểu đoàn của ông Xướng tham gia một trong ba mũi tấn công để giải phóng Thăng Bình vào sáng ngày 26/3/1975. Ông Xướng kể, giải phóng xong Tam Kỳ, Trung đoàn 38 đã giải phóng Tuần Dưỡng. Ý định của cấp trên, giải phóng Thăng Bình trong ngày 25/3/1975, nhưng do bị sập cầu Kế Xuyên nên phải dừng lại để điều chỉnh lực lượng. Trong đêm 25/3, bắt đầu điều chỉnh lực lượng giải phóng quê hương Thăng Bình bằng ba mũi tấn công. Một mũi đi xuống phía đông của Kế Xuyên gồm có 10 xe tăng và xe thiết giáp, cùng với Tiểu đoàn 4 đi thọc hướng Đông Bình Trung ra Bình Phục, lực lượng công binh của ông theo hướng này đi trước, cắm cờ, cọc để xe tăng đi qua và rà phá được 10 quả mìn.

Một mũi khác đi theo đường số 1 từ Tuần Dưỡng tấn công vào ngã ba Ngọc Phô, hướng ra Cây Cốc để triển khai đội hình. Hướng nữa từ Suối Châu - Bình Qúy theo hướng đường sắt đánh thọc sâu vào trong. “Đến sáng 26/3/1975 Thăng Bình được hoàn toàn giải phóng, thời điểm đó bọn lính Mỹ hoang man tháo chạy. Còn người dân ở lại rất ít, bởi trước đó họ cũng đã di chuyển ra Đà Nẵng, sau đó mới quay về lại”- ông Xướng nhớ lại.

Nhắc đến quãng thời gian này, CCB Đỗ Ngọc Xướng bồi hồi xúc động, đôi mắt sáng lên đầy tự hào và đầy kỷ niệm, ông kể lại: Những ngày tháng đó địch liên tục thả bom đánh phá, cản đường. Rất nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, nhưng sự hy sinh của đồng đội càng nung nấu ý chí, tiếp thêm sức mạnh để anh em trong đơn vị vượt qua những hiểm nguy, thử thách, dũng cảm tiến lên, từng hướng, ngả đường đều thấy các cánh quân của ta, người xe liên tục tiến vào. Và ngay thời điểm đó, liên tiếp nhận được tin chiến thắng từ các nơi, cả đơn vị vui mừng khó tả. Anh em trong đơn vị hò reo, cười nói và ôm nhau khóc trong niềm hạnh phúc vỡ oà.

          Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Hơn 20 năm chiến đấu ở mãnh đất miền Trung và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia, ngoài những ký ức khốc liệt mà hào hùng của một thời lửa đạn trong chiến đấu, giờ đây kỷ vật ông Đỗ Ngọc Xướng còn lưu giữ như những tấm hình đã phai màu, chiếc ba lô, cái tăng võng, bi đông, vỏ đạn, trở thành vật chứng cho lịch sữ.

Trở về quê hương với tuổi già, CCB Đỗ Ngọc Xướng vui vẻ quây quần bên con cháu. Gác lại ký ức của một thời bom đạn, trở về quê hương CCB Đỗ Ngọc Xướng vẫn luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương. Từng là Chủ tịch Hội CCB huyện Thăng Bình 10 năm liền, dù ở cương vị nào ông cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

50 năm đã trôi qua, giờ đây khi trở về cuộc sống đời thường, những người lính năm xưa vẫn không bao giờ quên đồng đội của mình đã ngã xuống trước giờ đất nước toàn thắng. Và họ luôn sống trong những ký ức đẹp một thời tuổi trẻ đánh giặc cứu nước, tiếp tục giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, gửi trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, thi đua xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp, đàng hoàng như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.

Tác giả bài viết: Bùi Văn Trí - Hội Cựu chiến binh tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây