cc

CỰU CHIẾN BINH NGUYỄN ĐÌNH PHÙNG GƯƠNG SÁNG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO BÁC

Thứ ba - 11/04/2023 10:42
Xuất thân từ một gia đình nghèo khó (xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), năm 17 tuổi, ông tạm gác lại chuyện học tập, thoát ly tham gia Cách mạng, được biên chế về đơn vị đặc công 75A Thị đội Tam Kỳ. Sau những trận đánh lớn, tháng 5/1967 ông bị thương, tỷ lệ thương tật 61% (hạng 2/4).
Cây cầu “Phùng Hiệp 27” được ông Phùng xây dựng tại thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, TP. Tam kỳ.
Cây cầu “Phùng Hiệp 27” được ông Phùng xây dựng tại thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, TP. Tam kỳ.

           Nhưng với tinh thần "tàn nhưng không phế", năm 1977 ông trở về địa phương tham gia các hoạt động và giữ nhiều chức vụ quan trọng như Thư ký, Thẩm phán, Chánh án Tòa án thị xã Tam Kỳ (nay là thành phố Tam Kỳ), sau đó nghĩ hưu và được kết nạp vào Hội Cựu chiến binh phường An Xuân, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. ông tâm sự "Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội đã hy sinh, thương tật tàn phế suốt đời. Bởi vậy, tôi luôn nghĩ sống sao thật có ý nghĩa cho xứng đáng với sự hy sinh của đồng chí, đồng đội”.

           Từ tấm lòng cao thượng và thấu hiểu nỗi khó khăn, hiểm nguy mà người dân vùng nông thôn khi ngày ngày phải đi qua những cây cầu tạm, xuống cấp, Cựu chiến binh Nguyễn Đình Phùng đã tự nguyện bỏ ra gần 2 tỷ đồng để xây dựng, tu bổ, nâng cấp 28 cây cầu tại các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, thành phố Tam Kỳ cho người dân đi lại.

Với thương binh hạng 2/4, là lớp người “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nhưng Cựu chiến binh Nguyễn Đình Phùng vẫn miệt mài, lặng thầm tìm đến những vùng quê nghèo khó khảo sát những địa điểm xây cầu giúp dân; nhiều lúc trái gió, trở trời, cơ thể đau nhức mỏi, do vết thương chiến tranh để lại, nhưng bằng nghị lực của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” cùng với chiếc xe máy cọc cạch Cựu chiến binh Nguyễn Đình Phùng đi khắp các làng quê từ thành phố Tam Kỳ đến các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước… để tìm hiểu, nghe ngóng ước muốn từ người dân để được góp sức cùng xây cầu, hỗ trợ người dân đi lại thuận lợi.

           Ông kể, trong một lần về thăm quê, thấy tuyến đường qua mương nước tràn thấp hơn mặt đường, phương tiện lưu thông tốc độ cao, khi đến khu vực này dễ bị ngã đổ. Hỏi ra mới biết, ở vị trí này từng xảy ra nhiều vụ TNGT, có 2 người tử vong, 21 người bị thương, nhiều phương tiện hư hỏng nặng. “Thấu hiểu nỗi khó khăn, hiểm nguy mà người dân phải đối mặt, tôi quyết định chuyển sang xây cầu dân sinh miễn phí cho những vùng quê nghèo”, Cựu chiến binh Nguyễn Đình Phùng nói. 

            Cây cầu đầu tiên ông xây dựng có tên “Phùng Hiệp 01” tại phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ. Cầu sau khi được hoàn thành, người dân đi lại thuận lợi, chính quyền và nhân dân đồng tình, hưởng ứng. "Mỗi khi cầu xây xong lại nhận được những lời cảm ơn của người dân, lãnh đạo chính quyền địa phương, đó chính là niềm vui, động lực thôi thúc tôi và gia đình tiếp tục công việc xây cầu hỗ trợ bà con”, Cựu chiến binh Nguyễn Đình Phùng tâm sự.

           Cứ thế, ròng rã từ năm 2016 đến nay, Cựu chiến binh Nguyễn Đình Phùng đã cùng gia đình đã xây được 28 cây cầu (ước tính mỗi cây cầu chi phí khoảng 65 – 75 triệu đồng), làm được 150m đường bê tông, chiều rộng 3m tại các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, TP.Tam Kỳ. Tổng số tiền Cựu chiến binh Nguyễn Đình Phùng tự bỏ ra để xây cầu, làm đường cho người dân gần 2 tỷ đồng.

           Riêng cầu “Phùng Hiệp 28” có chiều dài 12m, rộng 4m với kinh phí 75 triệu đồng là tiền lương của ông và tiền con trai ở TP. HCM gửi về. Đây là cây cầu thứ 5 mà Cựu chiến binh Nguyễn Đình Phùng xây dựng trong năm 2022 và là công trình thứ 28 trong hành trình xây cầu thiện nguyện của của ông. Cầu được bàn giao cho người dân thôn Đàn Trung, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh quản lý, sử dụng.

Cầu “Phùng Hiệp 28” tại thôn Đàn Trung, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh

            Bà Huỳnh Thị Ngọc (72 tuổi, trú thôn Đàn Trung, xã Tâm Dân, huyện Phú Ninh) cho hay, từ ngày biết ông Phùng xây cầu, người dân ai nấy đều phấn khởi. Trước đây, khi xây dựng con đường có một đoạn bị xụp xuống, mặt đường đứt gãy. “Ở vị trí này, phải có cả 100 người bị té ngã, một số người bị gãy chân, gãy tay, nằm bệnh viện cả tháng trời, phương tiện thì hư hỏng nặng. Giờ được bác Phùng làm cho cái cầu tại đây bà con chúng tôi mừng lắm”, bà Ngọc nói. 

           Đến nay, bước qua tuổi 75, sức khỏe suy giảm, nhưng Cựu chiến binh Nguyễn Đình Phùng chưa bao giờ nghĩ đến việc dừng xây cầu giúp người dân. Không ngại trời nắng gắt, ông vẫn thường xuyên có mặt ở những điểm xây cầu để động viên tinh thần các anh em đang thi công, kiểm tra chất lượng từng cây cầu đã được đưa vào sử dụng.  “Lúc nào hết tiền, hết sức thì sẽ thôi xây cầu. Tuổi cũng lớn rồi, không biết lúc nào nằm xuống, giờ còn giúp được gì thì mình vẫn cố gắng giúp thôi”, Cựu chiến binh Nguyễn Đình Phùng cười hiền.

           Bà Huỳnh Thị Thu (vợ Cựu chiến binh Nguyễn Đình Phùng) cho biết, hai vợ chồng bà làm từ thiện từ năm 2014, mỗi tháng nhận được hơn 15 triệu đồng lương hưu, nhưng vẫn cố gắng tiết kiệm, tích góp để cùng với các con xây cầu cho dân và hỗ trợ những suất quà cho người nghèo, các em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. “Mỗi lần thấy chồng đi khảo sát cầu mà lo. Ông nhà lớn tuổi, sức khỏe lại yếu, đặc biệt đi lại khó khăn do vết thương của chiến tranh. Những thương chồng, thương người dân vùng quê đi lại khó khăn nên tôi cũng động viên ông ấy cố gắng”,

           Hiện nay, tuy tuổi đã xế chiều, sức khỏe ngày một suy giảm nhưng Cựu chiến binh Nguyễn Đình Phùng vẫn âm thầm tham gia các hoạt động từ thiện giúp đỡ người dân, đồng thờigóp sức thay đổi diện mạo vùng thôn quê; ông thật sự là một tấm gương sáng tiêu biểu luôn được mọi người tin yêu, quý trọng và học tập noi theo./.

Tác giả bài viết: Bùi Văn Trí – Hội Cựu chiến binh tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây