cc

Khi người lính trở về

Thứ hai - 08/07/2024 14:31
Trong số hàng trăm đại biểu dự hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019-2024 của thị xã Điện Bàn, tôi gặp Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Có, thôn xóm Bùng xã Điện Hòa. Dáng người cao ráo, mái tóc hoa râm nhuốm màu thời gian, giọng nói hào sảng qua bài phát biểu tham luận tại hội nghị đã để lại trong tôi ấn tượng đặc biệt.
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Có được khen thưởng tại Hội nghị
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Có được khen thưởng tại Hội nghị

Tuổi đôi mươi tình nguyện lên đường
Mùa đông năm 1976, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai Nguyễn Xuân Có vừa tròn 19 tuổi tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Quân đội, biên chế thuộc Trung đoàn 723, Sư 333, thuộc Quân khu 5, Đoàn kinh tế quốc phòng lúc bấy giờ. Đơn vị đóng quân tại tỉnh Đắk Lắk thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh ở địa bàn chiến lược, kết hợp an dân, hướng dẫn sản xuất chăn nuôi cải tạo đời sống sau chiến tranh.

Ông Có kể: địa bàn ông đóng quân khá phức tạp, ở đây toàn đồng bào dân tộc thiểu số, người dân hầu hết là mù chữ, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nghe bà con kể lúc còn chiến tranh, bọn ngụy gom hết dân ở xung quanh, xây đồn bót ở giữa, quân giải phóng muốn đánh chiếm đồn rất khó. Sau giải phóng bộ đội lên đây có nhiệm vụ di dời đồng bào của buôn nào về buôn đó để người dân an cư lập nghiệp.

Cuối năm 1976, khi đang làm nhiệm vụ, nhìn thấy xe tải chở thi thể đồng đội được gói trong lớp giấy dầu trắng về địa điểm làm lễ an táng, trong lòng ông dâng lên niềm thương tiếc vô hạn vì biết tiểu đội này đi làm kinh tế ở biên giới bị phiến quân Khmer Đỏ phục kích bắn chết không còn một người sống sót. Đơn vị ông được điều động đi đào mộ chôn cất đồng đội. Ông nhớ như in, dưới lớp đất đỏ bazan lỏm chỏm đá sỏi, sức trai trẻ giơ cái cuốc thật cao bổ xuống sâu chỉ được mười phân. Thế nhưng, với tình yêu thương đồng đội, đơn vị ông đã hoàn tất việc đào mộ chôn cất đồng đội.

Nắm được tình hình ở địa bàn trọng yếu còn nhiều phức tạp nên đơn vị luôn cảnh giác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vừa làm kinh tế, vừa chiến đấu và giúp nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh làm nương rẫy ổn định cuộc sống.

Nỗ lực phát triển kinh tế

Năm 1982, hoàn thành nghĩa vụ trở về, ông Có chuyển ngành ra quân làm kinh tế cho đến năm 2016 nghỉ hưu theo chế độ, về quê hương ông chú tâm vào phát triển kinh tế hộ gia đình. Cuộc sống của những năm sau chiến tranh trên vùng Điện Hòa còn nhiều thiếu thốn. Là người lính trở về từ chiến trường, ông không cam chịu cuộc sống nghèo khổ. Ông suy nghĩ phải làm như thế nào để vực dậy cuộc sống gia đình đủ ăn không còn cảnh lo bữa sáng chạy bữa trưa. Ông xin đi làm bảo vệ ở Cục dự trữ quốc gia chi nhánh Đà Nẵng có kho đặt tại Trảng Nhật (Điện Hòa), vừa làm, vừa học bổ túc văn hóa, sau này học thêm trung cấp hành chính, ông được điều lên làm ở bộ phận văn phòng Cục dự trữ quốc gia chi nhánh Đà Nẵng. Ông tiếp tục đi học chuyên ngành giao thông vận tải và chuyển qua công tác tại công ty 545 thuộc Cienco 5. 

 Để có được vườn mai cảnh với tuổi thọ hơn 30 năm, ông lấy ngắn nuôi dài bằng cách trồng mai cảnh ngoài đất, uốn tỉa thành hình rồi đưa vô chậu, rất kỳ công và bền bỉ, hơn hàng trăm cây lớn nhỏ các loại mai bon sai, mai uốn tàng thông. Mỗi năm cứ đến dịp tết nguyên đán ông cho thuê và bán mai cảnh thu về hơn 200 triệu đồng.

CCB Nguyễn Xuân Có chăm sóc vườn mai sau tết
 

Bên cạnh đó, ông mạnh dạn đầu tư xây dựng trường Mầm non Chim Yến tọa lạc trên tuyến đường ĐH5 (đường 33). Trường được đưa vào hoạt động từ năm 2016 với tổng diện tích 750m2, chia làm 5 lớp học với hơn 100 học sinh, có 12 giáo viên và 3 tạp vụ. Thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, nhà trường đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho tất cả giáo viên, tạp vụ. Hỗ trợ tiền ăn trưa, trang bị đồng phục khi làm việc.

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông Có học hỏi từ bạn bè và những người nuôi chim yến chuyên nghiệp ở Đồng Nai, Bình Phước, năm 2018 ông đầu tư xây nhà nuôi chim yến với diện tích 360m2, 3 tầng, bình quân một năm thu hoạch từ 3 đến 4 đợt, mỗi đợt từ 1,5 đến 2 kg tổ yến thô, với giá hiện tại trên thị trường 25 triệu đồng/kg, bình quân mỗi năm ông thu về khoảng 200 triệu.

Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục thành lập công ty bảo dưỡng cây xanh, thường xuyên có từ 10-15 lao động thời vụ, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ, thu nhập hằng tháng từ 7 -8 triệu đồng.

Cuộc sống đời thường

Năm 2019, qua giới thiệu của một người bạn, ông Có lặn lội lên tận xã Kà Dăng huyện Đông Giang, chứng kiến ngôi trường mẫu giáo còn nhiều thiếu thốn, ông quyết định hỗ trợ trang bị cho ngôi trường này giường nằm, máy lọc nước, các vật tư thiết yếu, ông đưa thợ từ dưới quê lên bắt máy nước, sửa điện, sau khi hoàn tất đúng vào dịp Trung thu, ông cùng một người bạn ở Đà Nẵng tổ chức cho các cháu vui Trung thu.

Những năm bị ảnh hưởng dịch COVID-19, trường mầm non Chim Yến vẫn đóng bảo hiểm đầy đủ cho người lao động. Ông tâm sự mặc dù thời điểm này trường không có trẻ song nếu cắt bảo hiểm của người lao động đang lúc dịch bệnh lỡ như có ai đau ốm thì khó khăn cho việc điều trị. Ông tâm nguyện mở trường này chủ yếu là giải quyết việc làm cho các cháu học sư phạm chớ không mong lời lãi.

“Hằng năm ông Có hỗ trợ kinh phí cho thôn để thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn mỗi suất quà trị giá 500.000đ, hỗ trợ cho các chi hội đoàn thể hoạt động và xây dựng các thiết chế văn hóa của thôn” Ông Lê Văn Chiến trưởng thôn cho biết.

Chủ tịch Hội CCB thị xã Điện Bàn Nguyễn Phước Sáu tự hào khi nhắc tên người đồng đội “Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Có luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương, ngoài việc thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, ông luôn sẵng sàng hướng dẫn, giúp đỡ anh chị em hội viên có nhu cầu làm kinh tế vườn, xây nhà nuôi chim yến, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, đặc biệt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới”.

Ông Có tự nhủ rằng “Từng là người lính, tôi luôn khắc ghi công ơn của đồng đội đã ngã xuống, hy sinh tuổi xuân cho đất nước, tôi càng thấm thía hơn giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay nên khi còn sức khỏe, trí tuệ tôi tiếp tục làm người có ích cho gia đình và xã hội”.

Bằng ý chí, nghị lực cùng với cách nghĩ, cách làm sáng tạo, trên tinh thần ham học hỏi và khát vọng làm giàu ngay chính trên quê hương đã thôi thúc chàng thanh niên tuổi đôi mươi năm nào nay trở thành hội viên Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền, có những đóng góp cho sự phát triển của quê hương và của Hội. Năm 2015, ông Nguyễn Xuân Có được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Tác giả bài viết: Thanh Thủy - Thị xã Điện Bàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây