Trong đó, mô hình trồng cao su tiểu điền và trồng rừng thâm canh cây keo lá tràm của nữ CCB Lê Thị Phượng ở xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức và nhiều mô hình kinh tế của hội viên CCB đem lại nguồn thu nhập khá, giúp hội viên vươn lên làm giàu chính đáng là những điển hình.
Năm 1985 nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chị Lê Thị Phượng tình nguyện nhập ngũ vào Quân đội, công tác tại Sư đoàn 470 thuộc Binh đoàn 12 Bộ Quốc phòng; năm 1987 xuất ngũ về địa phương và được xét chọn đi xuất khẩu lao động ở Cộng hoà Liên bang Nga, năm 1991 hết thời hạn lao động chị về lại địa phương và đi lập nghiệp tại vùng núi xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức.
Tại vùng đất này, trước đây núi rừng hoang vu, rậm rạp, dân cư sống thưa thớt; vốn từ người lính công tác ở Binh đoàn kinh tế của Quân đội, không cam chịu đói nghèo, năm 2007 chị Lê Thị Phượng cùng gia đình đã bắt đầu khởi nghiệp khai hoang để trồng rừng. Những năm đầu, giá mủ cao su còn khá cao, không ít người dân trên địa bàn huyện đã đầu tư mạnh vào loại cây này. Cũng như nhiều người dân khác, gia đình chị Phượng đã dành mọi khoảng tiền tích góp được và vay mượn để đầu tư vào loại cây công nghiệp được xem là vàng trắng trên đất Hiệp Đức. Đến năm 2013, khi cây cao su của gia đình chị bắt đầu cho kết quả thì cũng là lúc giá cao su trên thị trường giảm mạnh. Ban đầu với không ít khó khăn, thách thức, có thời điểm mủ cao su sau khai thác để khô cả tháng mà không bán được. Nhưng rồi, với ý chí nghị lực của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” và niềm tin vững chắc vào loại cây công nghiệp này, gia đình chị vẫn tiếp tục đầu tư, lấy ngắn nuôi dài, tận dụng công lao động trong nhà để duy trì mô hình. Cựu chiến binh Lê Thị Phượng tâm sự: “Nếu so sánh giữa 1 ha cao su và 1 ha keo lá tràm thì cây cao su đem lại hiệu quả cao hơn nhiều. Đối với cao su đại điền thì phải qua nhiều tầng phải trả lương và các khoảng khác, còn đối với chị thì vượt công trong gia đình mới thuê người ngoài nên dù giá mủ cao su có giảm thì tính ra trồng cây này vẫn có lãi”.
Gần 10 năm nay, một ngày làm việc của CCB Lê Thị Phượng bắt đầu từ 4 - 5 giờ sáng, từ việc thức dậy chuẩn bị mọi thứ, vượt hơn 8km đường rừng để vào được vườn cao su. Mỗi ngày, gia đình chị đã khai thác từ 120 đến 150 kg mủ đông. Sau khi trừ đi mọi chi phí gia đình chị thu về từ 1 đến 1,5 triệu đồng mỗi ngày. Trung bình mỗi năm trừ chi phí thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng - một khoảng thu nhập không hề nhỏ đối với người dân ở đây. Ngoài ra, gia đình chị còn tạo điều kiện cho 3 lao động địa phương với thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Không dừng lại ở mô hình trồng 10 ha cao su tiểu điền, gia đình chị còn trồng 18 ha cây keo lá tràm, luân phiên mổi năm thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Đây là một trong 3 mô hình hội viên CCB trên địa bàn xã Sông Trà tham gia phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao.
Đồng chí Lê Song, Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: “Hiện nay phong trào xoá đói giảm nghèo của Hội CCB luôn đồng hành với phong trào xóa đói giảm nghèo của huyện. Đối với xã Sông Trà cùng với mô hình kinh tế của CCB Lê Thị Phượng còn có mô hình CCB Thiều Quang Bình, Nguyễn Năm ... đã đem lại nguồn thu nhập khá ổn định, góp phần nâng cao đời sống cho gia đình và có điều kiện tham gia đóng góp thực hiện công tác an sinh xã hội và “nghĩa tình đồng đội” ở địa phương”.
Đối với CCB Lê Thị Phượng không chỉ đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế chị còn tham gia tích cực các phong trào của địa phương, hàng năm gia đình đóng góp hỗ trợ, thăm tặng hàng trăm xuất quà cho bà con nhân dân có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Hiện nay chị đang là Chủ tịch Hội từ thiện, Chi hội trưởng hội CCB thôn 3 xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức.
Nhân Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2023) Ban biên tập Trang tin thông tin điện tử Hội CCB tỉnh xin gửi đến chị và toàn thể chị em Cựu chiến binh trong tỉnh lời chúc mạnh khoẻ, bình an, tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang, luôn là những người giữ ngọn lửa bình yên cho gia đình và cuộc sống./.
Tác giả bài viết: Bùi văn Trí - Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn